Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là tập hợp những điều kiện về di truyền, giới, thói quen sinh hoạt, ăn uống… ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh tim mạch của mỗi người. Chẳng hạn như nam giới có nguy cơ bị lên cơn đau tim cao hơn phụ nữ khi ở độ tuổi còn trẻ. Tuy nhiên, nữ giới sau tuổi mãn kinh thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch lại tăng lên đáng kể. Những người có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch thì sẽ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn những người không có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch...
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch là tập hợp những điều kiện về di truyền, giới, thói quen sinh hoạt, ăn uống… ảnh hưởng đến khả năng mắc bệnh tim mạch của mỗi người. Chẳng hạn như nam giới có nguy cơ bị lên cơn đau tim cao hơn phụ nữ khi ở độ tuổi còn trẻ. Tuy nhiên, nữ giới sau tuổi mãn kinh thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch lại tăng lên đáng kể. Những người có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch thì sẽ có nguy cơ bệnh tim mạch cao hơn những người không có tiền sử gia đình bị bệnh tim mạch...
Lối sống và thói quen trong sinh hoạt có thể dẫn tới tình trạng chỉ số cholesterol và huyết áp cao, thừa cân, béo phì, bệnh tiểu đường…vốn là những yếu tố nguy hiểm và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 2-4 lần so với không hút thuốc, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho những người xung quanh khi họ hít phải khói thuốc. Tuy nhiên sẽ không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá vì 24h sau khi bỏ thuốc lá, nguy cơ đau tim của bạn sẽ bắt đầu giảm.
Điều chỉnh thói quen sinh hoạt và lối sống sẽ giúp phòng ngừa và làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Những người có yếu tố nguy cơ cao nếu biết phòng ngừa, có thể sẽ không mắc bệnh tim mạch; ngược lại, những người không có yếu tố nguy cơ cao về di truyền và giới nhưng có lối sống tĩnh tại, lười vận động, ăn uống không khoa học thì vẫn có thể mắc bệnh tim mạch.
Bảo vệ trái tim ngay từ bây giờ
Nếu bạn có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn một chiến lược cụ thể để kiểm soát các nguy cơ. Tuy nhiên, chìa khóa cho việc phòng ngừa bệnh tim mạch nói chung là có một lối sống lành mạnh, bao gồm một chế độ dinh dưỡng hợp lý, không thuốc lá, hạn chế rượu bia và tập thể dục đều đặn mỗi ngày.
Chỉ cần một thay đổi nhỏ trong thói quen dinh dưỡng, sẽ tạo nên những cải thiện đáng kể cho sức khỏe tim mạch. Vì vậy, bạn hãy bắt đầu bằng việc ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, đậu và trái cây và sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật để trái tim khỏe mạnh. Dầu thực vật chiết xuất từ đậu nành, ôliu, hạt cải, hướng dương…rất giàu các loại axit béo tốt như omega 3 - 6 - 9, giúp cải thiện chỉ số cholesterol. Bạn cũng đừng quên ăn cá ít nhất vài lần mỗi tuần bởi đây là nguồn đạm rất tốt cho tim.
Ngoài ra, không hút thuốc, kiểm soát huyết áp cao, lượng cholesterol, cân nặng và bệnh tiểu đường. Nếu bạn muốn uống rượu, hãy uống rượu vang đỏ nhưng ở mức độ vừa phải, không nhiều hơn một ly mỗi ngày cho nữ giới và 2 ly một ngày cho nam giới. Bên cạnh đó, hãy thay đổi lối sống tĩnh tại, lười vận động và dành ra ít nhất 30 phút/ ngày để tập thể dục. Để thực hiện được những thay đổi này không khó, chỉ cần bạn kiên trì và biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình - những người luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho bạn.
Nếu bạn đã trải qua cơn đau tim, những lời khuyên trên vẫn hữu ích cho bạn. Hãy tránh thuốc lá, hoạt động nhiều hơn, cẩn trọng với những đồ ăn thức uống hàng ngày, bạn có thể tạo ra một sự thay đổi lớn đối với sức khỏe tim mạch và cơ thể. Và quan trọng là phải hỏi ý kiến bác sĩ để có những lời khuyên thiết thực cho chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp với thể trạng của bạn lúc này.